Wednesday, April 19, 2023

BÀI HỌC TỪ START UP

 


Ngay từ hồi còn đi học mình đã luôn cho rằng bản thân sẽ hợp với môi trường khởi nghiệp. Nghĩ vậy nên từ khi ra trường đến giờ mình đều làm việc cho startup có quy mô dưới 20 nhân sự. Đáng kể nhất có lẽ là khoảng thời gian mình tham gia một dự án “siêu startup”, khi toàn bộ team chỉ có vỏn vẹn ba thành viên bao gồm cả mình - một thực tập sinh mới tốt nghiệp còn chưa phân biệt được BHXH và BHYT là gì. Mình khi đó không khác gì một miếng bọt biển đang khô ráo, tinh tươm bỗng chốc bị ném cái cái ùm xuống biển dữ, sóng sau xô sóng trước không kịp vuốt mặt thở. Nhưng thân là bọt biển, mình vừa bơi, vừa ngụp lặn, vừa thỏa sức hấp thụ kiến thức dù không tránh khỏi đôi lần…sặc nước. Từ khoảng thời gian “vùng vẫy” này, một trong những điều mình trân quý nhất là cơ hội được làm việc trực tiếp với người sáng lập dự án/công ty. Vì là đang nuôi lớn “đứa con” của chính mình nên tinh thần và thái độ của anh chị trong công việc rất khác so với nhân viên làm công ăn lương, và điều đó đã dạy mình nhiều bài học đáng nhớ. Có những bài học dù mình đã từng nghe qua nhưng phải đến khi tự quan sát và trải nghiệm thì mới thấy thấm thía:

1. HOÀN THÀNH > HOÀN HẢO (NHƯNG SAU ĐÓ LÀ QUÁ TRÌNH LIÊN TỤC HOÀN THIỆN)
Trong công việc, cần phải đảm bảo ba yếu tố “nhanh chóng, cẩn thận, và chính xác”. Môi trường startup thì đặc biệt coi trọng yếu tố nhanh chóng vì có quá nhiều thứ phải được “sinh” ra trong một khoảng thời gian ngắn. Mình đã từng chần chừ không nộp landing page cho sếp vì nhìn mãi mà chưa thấy ưng ý. Sếp mình mắng luôn: “Đừng mất thời gian vào tiểu tiết thế. Sau này có người làm web thì sẽ giải quyết được thôi”. Thế rồi sau nhiều lần phải nhắm mắt nộp bài cho kịp deadline như vậy thì mình cũng nhận ra rằng:
- Dù chưa ưng ý thì mình cũng chưa thể nghĩ ra phương án nào tốt hơn. Thay vì trì hoãn thì hãy chấp nhận đó là phiên bản tốt nhất hiện tại, và mình thì đã cạn ý tưởng trong thời gian cho phép rồi. Chỉ bằng cách nhận feedback từ sếp và người dùng thì mình mới có thêm hướng để hoàn thiện sản phẩm.
- Ưu tiên của dự án lúc đó là gì? Là có một sản phẩm version 1, chứ không phải version hoàn hảo. Phát triển sản phẩm là một quá trình dài hơi và liên tục. Mỗi ngày mình lại chỉnh sửa một chút, thay button này, thêm shadow nọ, cải tiến dần dần. Cảm giác ý nghĩa nhất chính là khi so sánh phiên bản hiện tại với phiên bản đầu tiên và nhận ra mình đã đi được một chặng đường dài như thế nào.
Chính nhờ có sức ép tốc độ từ sếp nên mình mới học được cách thoát ra khỏi vòng lặp Sửa > Sửa > Sửa mà không CÔNG KHAI (nguồn: chị Linh Phan). Suy nghĩ trên cũng đã giúp giải phóng mình khỏi rất nhiều áp lực về các thiếu sót của bản thân và nhìn nhận nó như cơ hội để phát triển, chứ không phải là lý do để không bắt đầu. Mỗi người chúng ta cũng chính là một sản phẩm có nhiều version mà.
Một mẹo cho những lúc thấy chưa “sẵn sàng” là hãy đi tìm xem các phiên bản cũ của những thương hiệu nổi tiếng nhé. Hoá ra ai cũng có điểm bắt đầu như thế đấy!
2. THỬ THỬ THỬ. THẤT BẠI? LÀM LẠI VÀ THỬ TIẾP!
Bên cạnh sự đa nhiệm, một đặc trưng khác của startup là thử nghiệm. Sếp mình là một người cực-kì-nhiều-ý-tưởng, trong khi đám nhân viên loi nhoi bọn mình trước mỗi yêu cầu thử nghiệm mới từ sếp thì đều ngần ngừ “Có hiệu quả đâu mà làm” (tất nhiên là chỉ dám nói sau lưng). Mình hỏi: “Nhỡ không được thì sao ạ? Em nghĩ là không được đâu ạ”. Sếp trả lời tỉnh queo: “Không được thì thử tiếp thôi”.
Sự thật là sếp giao việc cho bọn mình làm không phải vì biết chắc sẽ thành công, mà chính vì không biết có được hay không nên mới phải làm thử. Còn nếu có điều gì mà sếp chắc chắn là đúng thì bởi nó đã được sếp kiểm định qua rất nhiều phép thử trước đó rồi, chỉ là mình không nhìn thấy thôi. Do đó, bài học mình rút ra được là 1. Hãy mạnh dạn thử các phương án mới và 2. Đừng vì áp lực phải thành công thì mới thử, và nếu phương án ban đầu không cho ra kết quả như mong muốn thì vẫn còn rất nhiều phương án khác nữa mà.
3. CHỦ ĐỘNG TÌM KIẾM VẤN ĐỀ
Mình tạm rút ra một quy trình trong công việc như thế này: Tìm kiếm vấn đề > tìm kiếm giải pháp > thực thi giải pháp. Thường thì mình chỉ là mắt xích cuối trong chuỗi, nghĩa là người nhận việc theo yêu cầu của sếp. Nhưng khi làm ở startup thì mình được quan sát (hoặc tham gia vào) cả hai bước trước đó. Mình đã rất bất ngờ với cách sếp mình để ý và chỉ ra vấn đề trước cả khi người dùng kịp phàn nàn. Nhân viên bình thường thì không mặn mà với hai bước đầu vì đi tìm vấn đề chẳng khác nào tìm thêm việc để làm. Nhưng mình cho rằng sự nhạy bén với vấn đề của sản phẩm chính là điểm khác biệt giữa nhân viên trung bình, nhân viết tốt và nhân viết xuất sắc. Đây cũng là cách giúp mình tìm thấy sự thú vị trong những công việc có tính chất lặp lại. Ví dụ như cho dù mình đã quen với việc tổ chức sự kiện hằng tháng cho công ty nhưng mỗi tháng mình đều cố gắng tìm thấy một điểm để cải tiến hơn so với tháng trước, từ những cái rất nhỏ như cách trình bày file hay cách gửi quà (cho dù sếp không yêu cầu).
4. TỰ TIN LÀ MỘT NHIỆM VỤ
Cả hai người sếp tại startup của mình đều là những người rất tự tin. Sự tự tin khi trình bày ý tưởng, định hướng mới cho nhân viên, hay cả khi đưa ra quyết định loại bỏ những thứ không hiệu quả ra khỏi quy trình v.v. Mình đã rất choáng ngợp (và có phần dè chừng) khi nghe những bài phát biểu của sếp vì mình vốn là một đứa tự ti, cảm thấy cái gì…chắc chắn quá là mình sẽ nghi ngờ. Sau này mình mới nhận ra là sự tự tin của sếp không chỉ là tính cách hay lựa chọn mà là điều bắt buộc phải có. Bởi nếu người đứng đầu còn không tự tin thì làm sao có thể khích động và thuyết phục cấp dưới làm theo được. Tất nhiên, sự tự tin ấy còn phải có nền tảng là năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của sếp (chứ không lại thành “nổ” mất). Mình nghĩ không phải là sếp mình không sợ thất bại, nhưng là sếp thì không được phép tỏ ra sợ hãi, ít nhất là trước mặt nhân viên của mình.
Một khía cạnh tự tin nữa mà mình rất thích ở các sếp là tâm thế: Không biết thì học. Nếu là trước đây thì mình sẽ rất xấu hổ khi phát âm sai một từ tiếng Anh hay nghe bạn bè dùng thuật ngữ nào đó mà mình không hiểu. Nhưng mình đã làm việc đủ lâu với sếp để học cách đón nhận những thiếu sót của bản thân một cách bình thản và tích cực hơn. Sếp mình dù ở chức vụ cao cũng không thể biết hết mọi thứ trên đời, nên ngay cả khi mắc lỗi trước mặt nhân viên hay đối tác thì đều vui vẻ thừa nhận “Vậy à, từ giờ anh sẽ nói đúng”. Như thế vừa không tự đào sâu thêm cái hố xấu hổ, lại vừa khéo léo thể hiện được tinh thần cầu thị. Tự tin cũng là một loại bản lĩnh đó!

0 comments:

Post a Comment